Trong những năm 2008 – 2015, ngành Quản trị Kinh doanh là ngành học đi đầu mỗi khi nhắc tới học Thạc sỹ. Khi ấy, nhu cầu những lứa học viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ những kỹ năng quản lý, phát triển kinh doanh là rất lớn.
 
Kể từ năm 2016 trở đi, ngành học dần bắt đầu được “tái cấu trúc” lại. Quản trị doanh nghiệp giờ không còn là ngành học “độc chiếm” duy nhất. Những doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động bắt đầu có những góc nhìn khác về nhu cầu cho những vị trí cần nhân sự cấp cao của họ.
Nhu cầu nhân lực đang dịch chuyển rất nhanh và mạnh
 
Trước mắt, đừng nhìn đến những ngành đào tạo có những gì, hãy để ý xem thị trường lao động đang cần chúng ta chuyển dịch như thế nào.
 
Trong những năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu vươn tới các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Từ thương mại, xuất nhập khẩu, cho tới công nghệ cao, công nghệ thông tin, và rồi cả bán buôn, bán lẻ, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo.
 
Chưa có năm nào, các doanh nghiệp Việt được nhắc đến nhiều với những kỳ tích như thế. Viettel mở rộng tới hơn 10 quốc gia. VNG chuẩn bị IPO trên sàn NASDAQ. Vin, Thegioididong, tập đoàn TH ngày càng mở rộng thị trường sang những ngành nghề mới, tăng trưởng vượt bậc. Nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp, tổ chức đối với những mảng việc liên quan đến thương mại, kinh doanh quốc tế, vận chuyển, chuỗi giá trị cung ứng, chuyển giao khoa học công nghệ từ nước ngoài để nâng cao sản xuất trong nước,… đã tăng nhanh hơn rất nhiều. Tất cả những lĩnh vực ấy đều rất cần thế hệ nhân tài mới.
 
Nhưng khi điểm lại, trong ngắn hạn, nguồn cung nhân lực cao cấp trong những lĩnh vực này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng.
 
Những ngành nghề trọng điểm như nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, bông sợi dệt may,… có tiềm năng phát triển rất nhiều, nhưng đội ngũ nhân sự chuyên biệt trong những lĩnh vực này hoàn toàn chưa đủ đáp ứng.
 
Một anh bạn tôi than thở, ngành bông sợi dệt may muốn học hỏi mô hình ZARA ở châu Âu, quản lý chuỗi cung ứng trên toàn châu lục và toàn cầu, sản phẩm từ thiết kế cho tới cửa hàng chỉ trong vòng 20 ngày, nhưng hoàn toàn chưa thể kiếm được nguồn nhân sự về chuỗi giá trị cung ứng đáp ứng sự tăng trưởng này.
 
Hai anh bạn khác trong ngành hàng không và công nghệ thì chia sẻ, kiếm được nhân sự về kinh doanh quốc tế khó quá, mình phát triển kinh doanh trong nước là 1 đằng, kinh nghiệm phát triển ở thị trường quốc tế lại là một câu chuyện khác. Chi phí tuyển dụng trung bình cho 1 nhân sự trong mảng kinh doanh quốc tế này, đã triển khai gần 1 năm nay mà chưa tìm được người ưng ý.
 
Hai câu chuyện nhỏ, nhưng là một sự suy ngẫm lớn về việc: chúng ta đã chọn đúng nghề hay chưa?
Thị trường lao động chuyển dịch nhanh hơn sự phát triển của con người
 
Cách đây 2 hôm, 1 bạn nhờ tôi tư vấn. “Anh ơi, trước em làm mảng phát triển kinh doanh nội địa, em mới chuyển sang mảng phát triển kinh doanh thị trường quốc tế. Em đặt mục tiêu trong 1 tháng để bắt kịp yêu cầu công việc mới. Theo anh em nên tiếp cận với những gì?”
 
Tôi giật mình.
“Khác hẳn 1 trời 1 vực em ạ.”
 
Kỹ năng phát triển kinh doanh trong nước đòi hỏi nhiều ở năng lực tiếp cận khách hàng – kênh, cách thức phân phối, đàm phán và chốt. Trong khi để làm được phát triển kinh doanh thị trường quốc tế cần cả những kỹ năng trên và kỹ năng học hỏi để hiểu thị trường hơn rất nhiều. Khi mang mô hình sang 1 nước khác, coi như phải học lại từ đầu về thói quen, tính cách, văn hóa của người sở tại.
Tôi trả lời tiếp. “Anh nghĩ 1, 2 năm còn khó chứ em đừng nói đến 1 tháng.”
 
Khi đã xác định con đường, phải trau dồi và “chiến” rất nhiều. Tinh thần khởi nghiệp chẳng ở đâu xa, chỉ bắt đầu đơn giản là họ đã sẵn sàng trở thành chiến binh tự tìm đường đi cho mình hay chưa. Số lượng lớn những doanh nghiệp hay cá nhân không thành công, bởi vì thời gian và công sức tìm đường của họ chưa đủ.
 
Cách nhanh nhất cho câu hỏi ở trên, đọc về kinh nghiệm mang chuông đi đánh xứ người của các doanh nghiệp đa quốc gia thành công đã, vác sách đi học 1 nhân vật thành công trong lĩnh vực phát triển kinh doanh quốc tế đã; rồi sau đó tiếp cận dần với những nguyên tắc cơ bản, học lý thuyết, case study, học từ các chuyên gia.
 
Về quản trị doanh nghiệp, MBA là bậc/ngành học tối cần thiết. Nhưng về phát triển kinh doanh quốc tế, MIB mới là số 1. Đơn giản khác nhau ở điểm, thày khác, chương trình khác, lý thuyết khác, case study khác. 
 
Cả nền kinh tế đang vận động, học hỏi quốc tế để chắc thắng sân nhà, tích lũy để đánh thắng sân khách.
 
Đừng để mình là người ngoài cuộc.